6 cây trồng nâng cấp không gian sống mùa dịch
Dù bạn đang sống trong một ngôi biệt thự sang trọng hay trong một căn phòng nhỏ ở chốn thành thị xa hoa, những chậu cây xinh xắn cũng sẽ khiến cho không gian sống của bạn mát mẻ, sinh động hơn. Thế nhưng, có phải cây trồng trong nhà nào cũng đều dễ dàng chăm sóc để sinh trưởng và phát triển tốt?
Mỗi chúng ta đều có cách riêng để giải tỏa căng thẳng sau giờ làm việc. Có người thích đắm chìm trong quyển sách mình yêu thích, có người thích tập thể dục rèn luyện sức khỏe, có người lại tìm thấy niềm vui khi chăm sóc, cắt tỉa chậu cây của mình. Đối với những ai mới bắt đầu trồng cây, sẽ thật khó khăn để lựa chọn loài cây phù hợp cho ngôi nhà của mình mà không yêu cầu nhiều kỹ thuật chăm sóc đặc biệt.
Dưới đây là 6 loài cây trong nhà thích hợp Ái Hân gợi ý cho những người có ít kinh nghiệm chăm sóc cây trồng.
- Cây bàng sing
Cây bàng Sing thuộc thân gỗ, cao khoảng 50 cm – 2 m, là loài cây trồng trong nhà được ưa chuộng trong những năm gần đây do khả năng thích nghi tốt với khí hậu nóng ẩm. Không chỉ được dùng làm cây cảnh để trang trí nhà cửa và nơi làm việc, cây còn có tác dụng hút bụi bẩn, khí độc nhờ tán lá to và rộng, đem lại bầu không khí trong lành, mát mẻ. Đặc biệt, người ta tin rằng trồng cây bàng trong nhà sẽ mang đến nguồn năng lượng tích cực và may mắn cho gia chủ.
Điều kiện ánh sáng: đặt cây ở nơi thoáng mát, có nhiều ánh sáng nhưng tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
Tưới nước: cây bàng không phải loài thực vật ưa ẩm nên bạn chỉ cần tưới nước khoảng 1-2 lần/ tuần.
2. Cây cỏ gương
Cây cỏ gương hay còn gọi là cây đồng tiền Trung Quốc là loài cây được ưa chuộng bởi hình dáng nhỏ nhắn, xinh xắn, phù hợp để trang trí trong nhà hoặc trong văn phòng. Cây có lá màu xanh đậm, bo tròn như hình đồng xu, thân cây trưởng thành cao khoảng 30 cm hoặc có thể lên tới 1 m. Với đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, cây cỏ gương là lựa chọn hoàn hảo dành cho những người không có nhiều kinh nghiệm chăm sóc cây trồng.
Điều kiện ánh sáng: cây không ưa ánh sáng trực tiếp nên bạn có thể đặt cây ở bàn làm việc hoặc ở nơi có nắng nhẹ, không gay gắt.
Tưới nước: 1 lần/ tuần, không nên tưới quá nhiều vì cây dễ bị úng nước. Khi mới bắt đầu trồng cây, bạn hãy để ý nếu lá cây rủ xuống thì đó là dấu hiệu cho thấy cây cần được tưới nước.
3. Cỏ lan chi
Cỏ lan chi thuộc loại cây thân thảo, mọc thành bụi, cao trung bình khoảng 40-50 cm. Lá cây thường có màu xanh và sọc trắng ở mép hoặc ở trung tâm. Được mệnh danh là chiếc “máy hút bụi thần kỳ” và có khả năng hút tia bức xạ có hại từ các thiết bị điện tử, cây lan chi thường được đặt trên bàn làm việc, trên kệ sách hoặc treo ở ban công, dùng để trang trí nhà cửa.
Điều kiện ánh sáng: cây lan chi là loài cây ưa bóng râm. Chính vì vậy, bạn không nên đặt cây ở nơi có ánh nắng gay gắt vì dễ làm cháy lá cây.
Tưới nước: 1 lần/ ngày để đảm bảo đất trồng có đủ độ ẩm cho cây phát triển, không nên tưới quá nhiều vì có thể gây thối rễ cây.
4. Cây nha đam
Cây nha đam là loài cây sống lâu năm, có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt. Lá cây dài, mọng nước, có hình dáng như thanh kiếm, bên trong lá có gel màu trắng chứa nhiều thành phần tốt cho sức khỏe của con người. Bên cạnh tác dụng làm đẹp, chữa bệnh, cây nha đam còn được dùng để trang trí nhà cửa và thanh lọc không khí.
Điều kiện ánh sáng: mặc dù cây có thể phát triển trong điều kiện ít ánh sáng nhưng bạn nên đặt cây ở nơi có ánh nắng mặt trời để cây dễ dàng quang hợp.
Tưới nước: nha đam là loài cây mọng nước nên bạn không cần tưới nhiều nước cho cây. Thông thường, bạn có thể tưới nước 3-4 lần/ tuần vào mùa khô và giảm tần suất vào mùa mưa.
5. Cây phỉ thủy
Nhỏ nhắn nhưng ẩn chứa nhiều ý nghĩa đặc biệt, cây phỉ thúy là loài cây trồng trong nhà luôn được mọi người ưu ái lựa chọn để trang trí cho không gian sống của mình. Bên cạnh tên gọi quen thuộc, cây còn được gọi là cây bích ngọc hay cây may mắn bởi nó tượng trưng cho tình bạn, sự sẻ chia, đem đến tài lộc và sự giàu sang phú quý cho gia chủ. Cũng như cây nha đam, cây phỉ thúy có khả năng chống chịu trong môi trường khắc nghiệt và sẽ phát triển cực kỳ nhanh nếu được chăm sóc kỹ càng. Vào dịp đầu Xuân, trên cây sẽ xuất hiện những bông hoa màu trắng hoặc màu hồng xinh xắn như những ngôi sao, đem lại cảm giác ấm cúng cho góc phòng của bạn.
Điều kiện ánh sáng: đặt cây ở nơi có nhiều ánh sáng để tạo điều kiện cho cây phát triển.
Tưới nước: cây không ưa nước nên bạn chỉ cần tưới nước khi thấy lớp đất trên mặt chậu khô đi từ 3-5 cm.
6. Cây lưỡi hổ
Theo phong thủy, người ta tin rằng cây lưỡi hổ có khả năng trừ tà, xua đuổi ma quỷ và những điều xui xẻo, đem lại may mắn và thuận lợi trong cuộc sống. Đây là loài cây có thân dạng dẹt, mọng nước, cao 50-60 cm, lá cây có màu xanh và màu vàng. Mặc dù cùng họ với nha đam nhưng cây lưỡi hổ có chứa độc tố, gây ngộ độc nếu vô tình ăn trúng lá cây. Thế nhưng, nếu được sử dụng đúng cách, loài cây này vẫn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho con người, giảm căng thẳng, mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ và thanh lọc không khí.
Điều kiện ánh sáng: đặt cây ở nơi có ánh sáng trực tiếp.
Tưới nước: 2-3 tuần/ lần, chỉ nên tưới nước trên bề mặt đất, không tưới thẳng vào lá hoặc toàn thân cây.
Vì sao nên trồng cây xanh trong nhà?
Cây trồng trong nhà không chỉ đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe tinh thần mà còn góp phần tô điểm thêm sắc màu cho ngôi nhà thân yêu của bạn. Hy vọng qua những gợi ý của Hân, bạn sẽ chọn được một loài cây yêu thích để cải thiện không gian sống của mình và có thêm nhiều niềm vui trong cuộc sống.
P/s: Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo.
No Comments