Bạn có bao giờ cảm thấy cuộc sống quá phức tạp, chán chường khi nhìn vào cuộc sống người khác? Hay đơn giản là mệt mỏi với sự cố gắng không hồi kết của bản thân?

Bạn có hay có những suy nghĩ độc hại khi bắt đầu một ngày mới? Và dần dần bạn trở nên mất đi động lực để làm mọi thứ. Trong giai đoạn này, ngoài việc chăm sóc sức khỏe thể chất thì tinh thần cũng vô cùng quan trọng.

Dưới đây sẽ là những gợi ý của Hân để bạn có thể cải thiện sức khỏe tinh thần và có thêm động lực trong mùa dịch nhé.

Mất động lực xảy ra khi nào?

Mất động lức xảy ra khi bạn không đủ quyết tâm hành động, rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng này. Khi xác định đúng nguyên nhân, bạn sẽ chọn được công cụ, chiến thuật tốt nhất để tìm động lực.

Khi bạn mất động lực, có thể bạn sẽ không tìm ra được nguyên nhân từ đâu gây ra nó. Thật sự, rất khó để xác định được nguyên nhân gây ra những cảm xúc này. Dưới đây là một số yếu tố chính mà Hân thấy quan trọng trong việc ảnh hưởng đến việc mất động lực của bạn.

  1. Mục tiêu sai lầm

Khi bạn chưa biết là bạn thực sự muốn điều gì, tương lại bạn sẽ như thế nào. Hay bạn không có một mục tiêu cụ thể để có thể bắt đầu. Dù đã có mục tiêu cụ thể nhưng không có kế hoạch thực hiện thì khi đó cũng làm bạn kiệt quệ về cảm xúc và năng lượng.

Tuy nhiên, để cải thiện những điều trên, Hân gợi ý bạn một số tips để bắt đầu:

  • Tìm lí do bạn bắt đầu hoặc mục tiêu mà bạn muốn đạt được và hạnh phúc khi làm.
  • Lập kế hoạch từng bước nhỏ để đạt được từng mục tiêu nhỏ.
  • Dành ít sự tập trung hơn cho những điều không làm bạn vui vẻ khi thực hiện.

2. Không biết làm gì kế tiếp

Bạn có nhận thấy khi bạn mất động lực, bạn thường có những câu hỏi “Làm gì tiếp theo?”. Bạn thực sự mất phương hướng và không có một hành động nào rõ ràng để thực hiện? Có thể bạn có mục tiêu rõ ràng nhưng khi hành động, bạn thực sự bối rối.

Để cải thiện điều này, Hân gợi ý bạn nên:

  • Viết ra những điều khiến bạn thắc mắc “không biết làm gì”.
  • Đặt câu hỏi và tạo ra những mục tiêu nhỏ phải đạt được trước khi đạt được mục tiêu lớn.
  • Lập kế hoạch, ra hạn thời gian và kiểm tra năng suất sau mỗi lần thực hiện.

3. Sợ hãi và thiếu sự thách thức

Nỗi sợ và lo lắng làm cản trở bạn, khiến bạn thiếu can đảm để bắt đầu một điều gì đó. Bên cạnh đó, nếu mục tiêu thiếu sự thách thức, bạn sẽ mất cơ hội học và cải thiện những điều còn thiếu sót.

Vì vậy, đừng ngần ngại:

  • Gọi tên nỗi sợ và đối diện với chúng.
  • Đặt ra những câu hỏi để tìm cách giải quyết sự sợ hãi đó.
  • Đối với những mục tiêu, xác định liệu chúng có thách thức bạn chưa? Mục tiêu đó đem lại cơ hội gì để phát triển bản thân mình?
  • Tạo ra những điều thử thách, những điều khiến bạn sợ đòi hỏi bạn phải tìm tòi và phát triển.

4. Cô đơn khi phải tự đối diện với những vấn đề

Đôi lúc khi quá tập trung vào điều gì quá, bạn quên mất rằng bên cạnh bạn còn những người thân thiết để bạn chia sẻ. Sự kết nối của bạn với những người thân thiết đấy lại là động lực để bạn cố gắng đấy. Hoặc bạn có thể tìm đến họ để chia sẻ những điều muộn phiền bạn đang gặp để phần nào giải tỏa chúng.

Vì vậy, đừng quên dành thời gian dù chỉ một chút thôi:

  • Ngừng làm việc một lát, gặp gỡ và nói chuyện với những ai bạn yêu quý.
  • Tạo dựng phương pháp để kết nối nhiều người hơn và hợp tác với nhau để cải thiện năng suất.

Kết bài, Hân muốn nhắc bạn rằng, chuyện bạn mất động lực là một điều rất bình thường. Nhất là trên hành trình bạn đang hướng đến mục tiêu, kế hoạch mà bạn đặt ra. Có thể nhiều lúc bạn sẽ thấy bất an và kiệt sức đến mức muốn né tránh, từ bỏ mọi thứ. Nhưng hãy tin rằng sự nỗ lực, chấp nhận thất bại và mạnh mẽ vượt lên chính là chìa khóa để bạn đến với mục tiêu. Hãy biến những điều đang cản trở bạn thành cơ hội, chìa khóa để thúc đẩy bạn thêm tự tin hơn nhé.