4 dấu hiệu bạn đang kiệt sức (burnout)
Cảm giác “sức tàn lực kiệt” ở chỗ làm, mất hứng thú với công việc là triệu chứng của hội chứng cháy sạch (Burnout).
Làm việc từ sáng đến đêm, thường xuyên mệt mỏi, mất ngủ, tiêu cực và nghi ngờ năng lực của mình. Nếu bạn từng trải qua trường hợp trên, có thể bạn đã mắc hội chứng Burn out.
Vậy Burnout là gì? 4 triệu chứng nào cho thấy bạn đang bị Burnout? Cùng Hân tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Kiệt sức (Burnout) là gì?
“Burnout” được định nghĩa bởi Herbert Freudenberger, trong cuốn sách Burnout: The High Cost of High Achievement. Cụ thể là:
“Sự cạn kiệt trong động lực làm việc. Đặc biệt là khi sự tâm huyết của một người dành cho một công việc không mang lại kết quả mong muốn.”
Nói đơn giản, nếu bạn cảm thấy kiệt sức tại nơi làm việc, chán ghét công việc và cảm thấy hiệu quả công việc giảm sút. Bạn đang có dấu hiệu Burnout.
Nguyên nhân dẫn đến Burnout là gì?
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do tâm lý chán ghét công việc. Bạn sợ phải làm việc và không hài lòng với bất cứ thứ gì bạn đang làm. Hoặc có thể do đặc điểm tính cách. Những người mang chủ nghĩa hoàn ảo hoặc chủ nghĩa bi quan có khả năng cao bị Burnout.
Vậy những dấu hiệu nào cho thấy bạn đang bị Burnout?
Dấu hiệu 1: Tránh né các hoạt động liên quan đến công việc
Những người trải qua tình trạng Burnout cảm thấy công việc của họ ngày càng căng thẳng và gây khó chịu. Họ có xu hướng bực bội, chỉ trích về điều kiện làm việc. Bên cạnh đó, họ vô cảm, xa cách với những người họ làm việc cùng.
Dấu hiệu 2: Các triệu chứng về thể chất
Burnout có thể dẫn đến các triệu chứng về thể chất. Ví dụ như đau đầu, đau bụng, mất ngủ hoặc các vấn đề về đường ruột.
Dấu hiệu 3: Kiệt quệ về cảm xúc
Burnout khiến con người cảm thấy kiệt quệ. Họ không thể đối phó với sự mệt mỏi. Họ thường thiếu năng lượng để hoàn thành công việc.
Dấu hiệu 4: Giảm hiệu suất làm việc
Những người bị Burnout luôn cảm thấy chán chường về công việc được giao. Họ thường khó tập trung và thiếu tính sáng tạo.
Cách phòng tránh
- Học cách nói “KHÔNG”: đặt giới hạn về thời gian bạn dành cho công việc. Nó có thể giúp bạn phục hồi sau tình trạng kiệt sức.
Trước khi bạn đồng ý giúp đỡ ai đó hoặc chấp nhận yêu cầu của ai đó trong công việc, hãy:
- Tạm dừng một chút và xem xét những yêu cầu.
- Tự hỏi bản thân xem bạn thực sự có đủ thời gian và năng lượng hay không.
- Cân nhắc xem việc làm đó có mang lại giá trị cho bạn hay không.
Đặt ra giới hạn của bản thân không có nghĩa là bạn lười biếng hay ích kỉ. Đặt ra giới hạn là chìa khóa để chăm sóc sức khỏe tinh thần của bạn. Và nó giúp bạn chủ động phòng tránh Burnout.
- Học cách đặt ưu tiên: Quyết định nhiệm vụ nào ít quan trọng hơn, đặt chúng sang một bên và tập trung vào công việc khác.
- Để công việc lại ở nơi làm việc: Một phần của quá trình phục hồi từ Burnout là học cách ưu tiên cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Sau khi tan làm, hãy dành thời gian thư giãn và nạp năng lượng cho ngày hôm sau.
- Chia sẻ về nhu cầu của bản thân: Hãy nói chuyện với những người có liên quan và cho họ biết điều gì đang xảy ra với bạn. Hãy thẳng thắn chia sẻ bạn cần hỗ trợ để chăm sóc sức khỏe. Và việc quản lý khối lượng công việc của mình một cách hiểu quả cũng cần thiết với bạn.
Burnout hủy hoại cuộc sống chúng ta trong thầm lặng. Không có niềm vui, không có động lực khiến cuộc sống trở nên tẻ nhạt. Nhận ra trạng thái kiệt sức không phải là vấn đề quá khó.
Làm mới bản thân, dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi và tìm hiểu chính mình. Tìm ra được cách để khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc, được vui vẻ là thông điệp Hân muốn gửi đến bạn. Hân mong rằng bạn sẽ có một cuộc sống có ý nghĩa và hạnh phúc hơn.
No Comments