Triết lý sống hạnh phúc của người Nhật Bản có nguồn gốc từ những buổi trà đạo ngày xưa. Nơi luôn được mọi người xem là dịp quý báu để gặp gỡ nhau.

Nhận biết được ý nghĩa và áp dụng 7  triết lý dưới đây sẽ giúp chúng ta sống thanh thản. Để ta tận hưởng trọn vẹn từng giây phút. Và biến những giây phút bên người thân yêu trở nên quý giá hơn bao giờ hết.

Cùng Hân tìm hiểu xem 7 triết lý sống để trở nên hạnh phúc của người Nhật là gì nhé.

Ikigai – hãy tìm ra lẽ sống của cuộc đời

Ikigai chính là lý do bạn thức dậy mỗi sáng và tận hưởng cuộc sống. Cụm từ Ikigai chỉ giá trị sống của mỗi đời người. Đây cũng như tinh thần làm việc không phải vì lợi ích kinh tế hay địa vị xã hội.

Nhà tâm lý học Mieko Kamiya từng giải thích: “Ikigai rất giống với hạnh phúc nhưng có một sự khác biệt tinh vi về sắc thái. Hạnh phúc là cảm giác nhất thời. Nhưng Ikigai là kim chỉ nam của hành động tích cực giúp ta hướng đến tương lai. Dù có thể ta đang trải qua những việc không vui của hiện tại”.

Có 5 trụ cột tạo nên nền tảng của Ikigai. Bắt đầu từ việc nhỏ, giải phóng bản thân, sự hài hòa và bền vững. Kế đó là niềm vui từ những điều nhỏ bé, và ở đây và bây giờ. Bạn có thể sử dụng những trụ cột này và nghiên cứu về Ikigai trong cuộc sống hàng ngày. Để tìm ra sự rõ ràng, cho dù đó là khám phá điều bạn đam mê hay sử dụng các kỹ năng của mình.

Ichigo Ichie – Trân trọng từng khoảnh khắc bên nhau

Ý nghĩa của từ Ichigo Ichie có thể hiểu đơn giản rằng: Những gì chúng ta đang trải qua bây giờ sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Chúng ta cần trân trọng khoảnh khắc tuyệt đẹp này như những kho báu quý giá.

Mỗi cơ hội chỉ xuất hiện một lần trong đời. Giữa biển người mênh mông, gặp nhau là duyên, một cái ngoảnh đầu cũng lạc mất nhau. Đừng để cơ hội vụt mất khỏi ta. Hãy nắm lấy và trân trọng vì nó chỉ xuất hiện một lần mà thôi.

Bạn chỉ cần tập trung phát triển các thế mạnh của bản thân và ngừng so sánh với mọi người xung quanh. Bạn chính là nhân vật chính trong câu chuyện của mình. Hiểu rõ điều bản thân mình muốn và kiên định với điều đó là nguyên tắc cốt lõi của mọi triết lý sống. Vì mỗi phút bạn không ngừng cố gắng chính là mỗi phút bạn đang sống cho hiện tại.

Omoiyari – Đặt mình vào hoàn cảnh và nhìn từ góc độ của người

Đặt mình vào hoàn cảnh và nhìn từ góc độ của người khác. Sau đó, hành xử sao cho họ cảm thấy dễ chịu và hạnh phúc. Mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu bạn có thể đặt mình vào vị trí người khác, hiểu theo góc độ của họ.

Đối xử với người như cách mình muốn người đối xử với mình. Đó vừa là sự tôn trọng bạn dành cho họ và cũng là sự tôn trọng dành cho chính bản thân bạn.  Đây không phải là điều gì quá khó, ta cần luyện tập nó mỗi ngày, mỗi giờ, với mọi người ta gặp gỡ.

Wabi sabi – vẻ đẹp từ những điều không hoàn hảo

Trong tiếng Nhật, “Wabi” có nghĩa là vẻ đẹp mộc mạc bất đối xứng và không cân bằng. Còn “Sabi” dùng để mô tả nét đẹp vô thường và trường tồn theo năm tháng.

Wabi sabi tập trung vào những điều không hoàn hảo. Nhưng không phải để phê phán mà từ đó tôn vinh những giá trị tích cực bên trong chúng. Triết lý này giúp con người nhìn nhận sự việc theo một cách đơn giản. Sau đó, chấp nhận bản chất vô thường, để cuộc sống trở nên nhẹ nhàng, dễ dàng hơn.

Itadakimasu – chân thành đón nhận

Người Nhật rất tôn trọng đồ ăn và ta thường nghe họ nói “itadakimasu” trước khi ăn. Cụm từ này có nghĩa là “Tôi khiêm nhường đón nhận”.

Trong triết lý sống của người Nhật, Itadakimasu là sự tôn trọng của họ đối với tất cả sinh vật trên Trái đất. Chúng đã hy sinh để họ có được bữa ăn hàng ngày. Từ tâm thức coi tất cả sinh vật trên trái đất là của loài người, dưới sở hữu của loài người,… Triết lý đánh thức lòng biết ơn, giúp ta hiểu được bản thân chỉ là một sinh vật bé nhỏ giữa trời đất này. Giúp ta trân trọng và đón nhận tất cả những gì được mẹ trái đất trao tặng một cách chân thành. Khiêm nhường chính là cách cảm ơn cuộc đời.

Danshari: Sống tối giản – Đơn giản hơn để hạnh phúc hơn

Giá trị cốt lõi của sống tối giản chính là hướng tới một cuộc sống đơn giản. Cuộ sống nhẹ nhõm, hạnh phúc những đủ đầy, để ta không còn chạy theo những thú vui phù phiếm nữa.

Tối giản không chỉ ở không gian, đồ vật. Nó còn được biểu hiện ở việc: tối giản thông tin (chỉ lựa chọn thông tin hữu ích. Tối giản mối quan hệ (tập trung vào những mối quan hệ chất lượng). Và tối giản giải trí (chọn lọc những chương trình đem lại giá trị nhân văn và kiến thức).

Kaizen – thay đổi từng chút một để trở nên tốt hơn

Trong tiếng Nhật, Kaizen có nghĩa là “sự thay đổi tốt”. Triết lý Kaizen nghe có thể khiến bạn cảm thấy gánh nặng về lý thuyết. Nhưng hãy yên tâm rằng con người rất muốn tìm kiếm sự cải tiến. Có nghĩa là hầu hết các nguyên tắc này có thể áp dụng được bằng trực giác.